
Trong quá trình nuôi tôm nếu thường xuyên quan sát người nuôi sẽ phát hiện trên tôm hay nước ao có dấu hiệu phát sáng. Vậy do đâu mà có hiện tượng này? Hiện tượng bệnh phát sáng trong ao hay trên tôm do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh này xuất hiện trên hầu hết các loại tôm. Và bệnh có thể xảy ra trong tất cả các giai đoạn từ trứng đến tôm trưởng thành. Bệnh đặc biệt phát triển mạnh vào mùa hè nắng nóng, khi mà ao nuôi thiếu oxy hòa tan. Khi bị bệnh tôm sẽ giảm ăn, phát triển không cân đối dẫn đến năng suất có phần bị ảnh hưởng đáng kể.
Bệnh phát sáng ở tôm không phải là căn bệnh nguy hiểm như các bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy. Nhưng không vì thế mà bà con chủ quan lơ là bệnh tật. Nhận biết được nguyên nhân, biểu hiện của bệnh sẽ giúp bà con phát hiện kịp thời từ đó đưa ra các phương hướng điều trị tốt nhất. Vì thế, bà con đừng vội bỏ qua bài viết hôm nay của MPU. MPU đã tham khảo và tổng hợp được những thông tin liên quan về căn bệnh phát sáng ở tôm cũng như cách điều trị hiệu quả. Xem ngay
Nguyên nhân gây bệnh phát sáng
Thông thường khi thấy ao tôm phát sáng, người nuôi nên xác định là nước ao phát sáng hay vỏ hoặc thân tôm phát sáng từ đó có hướng xử lý phù hợp.
Trong ao có sự hiện diện của tảo roi
Tảo roi và một số loại tảo giáp làm giảm oxy hòa tan trong nước, tiết ra chất độc gây bệnh cho tôm, làm tôm giảm ăn và chậm tăng trưởng. Ngoài ra, còn làm một số loại tảo có lợi cho tôm không phát triển được. Khi tảo roi phát triển mạnh sẽ gây ra hiện tượng phát sáng ở mặt ao nuôi.
Do có sự tồn đọng hợp chất phospho hữu cơ tích tụ trong bùn đáy ao
Việc tích tụ phospho hữu cơ lâu ngày do thức ăn thừa tích tụ dưới đáy ao gây ra hiện tượng ao tôm bị phát sáng về đêm. Việc này còn kích thích các loại tảo độc và vi khuẩn có hại phát triển mạnh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.
Do vi khuẩn Vibrio harveyi gây ra
Thường gặp ở các ao nuôi có độ mặn cao (> 15%), và nhiệt độ nước tăng, hàm lượng chất hữu cơ cao, oxy hòa tan thấp. Các vi khuẩn này tiết ra enzyme Luciferase có khả năng phát quang gây ra sự phát sáng ở con tôm. Chúng còn gây bệnh trên gan tụy của tôm làm tôm bị suy yếu và chết.
Tôm có thể bị nhiễm bệnh trong tất cả giai đoạn của vòng đời. Khi trưởng thành hoặc trong giai đoạn sản xuất giống, khi mầm bệnh bị lây từ tôm bố mẹ sang ấu trùng.
Biểu hiện của bệnh phát sáng ở tôm
Nếu nguyên nhân do tảo gây ra sẽ dẫn đến tôm chậm lớn, phát triển không đồng đều, có thể đóng rong ở mang và vỏ.
Nếu tôm bị nhiễm khuẩn Vibrio harveyi sẽ có biểu hiện: tôm bơi không định hướng. Kiểm tra sẽ phát hiện trên tôm có những điểm sáng xanh ở hậu môn, miệng. Nghiêm trọng hơn là điểm sáng sẽ lan rộng ra toàn thân. Quan sát bằng kính hiển vi sẽ thấy vi khuẩn phát sáng di chuyển trong thân tôm.
Thân và mang tôm có màu sẫm, bẩn, thịt đục màu.
Tôm giảm ăn, khi chết không có thức ăn và phân trong ruột.
Gan viêm và teo nhỏ. Gan mất chức năng tiêu hóa hoàn toàn.
Nếu ấu trùng tôm nhiễm bệnh sẽ có màu trắng đục. Nếu nặng hơn thì ấu trùng sẽ lắng dưới đáy bể ương và chết hàng loạt.
Tôm chết đáy rải rác tuỳ vào mức độ của bệnh. Nếu nhiễm bệnh 100% đàn tôm trong giai đoạn 45 ngày nuôi đầu, có thể gây chết tôm hàng loạt.
Phương pháp điều trị bệnh phát sáng trong ao tôm
Khi phát hiện được các dấu hiệu gây bệnh quý bà con cần bón vôi bột (CaO) với liều lượng 10 – 12 kg/100 m2 để khoáng hoá nền đáy, tiêu diệt mầm bệnh. Bà con san phẳng nền đáy thành hình lòng chảo trũng ở giữa ao để gom tụ chất thải. Sau đó phơi đáy 5 – 7 ngày để thoát hết lượng khí độc tồn đọng dưới đáy ao. Khi nhiệt độ nước tăng cao là điều kiện tốt cho vi khuẩn Vibrio harveyi phát triển. Do vậy, để hạn chế khả năng tăng nhiệt của nước, cần duy trì mức nước trong ao nuôi đạt độ sâu 1,2 – 1,5 m.
Đồng thời quản lý sự phát triển của tảo. Ổn định nước ở màu xanh nõn chuối, giữ độ trong 30 – 40 cm. Theo kinh nghiệm thực tế, ao nuôi ở độ mặn thấp (5 – 7‰) thì mật độ vi khuẩn Vibrio harveyi giảm rõ rệt. Hạ độ mặn là biện pháp ức chế khả năng phát triển vi khuẩn phát sáng. Đây là phương pháp dễ thực hiện và khá hiệu quả.