Bất cứ ai khi nuôi cá rồng đều mong muốn những chú cá của mình sẽ có được sức khỏe tốt nhất. Tuy nhiên trong quá trình nuôi không tránh khỏi những tác nhân bên ngoài khiến cá bị bệnh. Chính vì thế người nuôi cá rồng cần chú ý nhiều hơn đến các loại bệnh làm giảm khả năng sức khỏe của cá.
Cá rồng được ví như một nguồn tài lộc mang lại giá trị kinh tế cao. Thế nhưng việc nuôi cá rồng thường không đơn giản. Ngoài các công việc cho ăn, thay nước và chăm sóc cá hằng ngày, bạn cũng cần phải biết cách phòng và chửa trị một số bệnh thông thường gặp ở cá. Đặc biệt là các bạn cần phải thường xuyên theo dõi và quan sát các biểu hiện bất thường của cá để có cách điều trị kịp thời hữu hiệu. Vậy cụ thể đó là những biểu hiện bệnh nào, nguyên nhân do đâu? Hãy cùng tìm hiểu một số loại bệnh thường gặp ở cá rồng với MPU. Từ đó có cách chữa trị phù hợp giúp cá khỏe mạnh và sinh trưởng tốt hơn.
Bệnh xoăn mang (kênh mang)
Triệu chứng bệnh
Trong giai đoạn đầu thì cá thở gấp, mang mở đóng không êm ái. Về sau lớp viền mang cá mở rộng, phơi bày những những cơ cấu ở trong mang. Lâu dần lớp vỏ cứng của mang cũng kênh ra. Việc này làm cho con cá khó thở nên kém ăn và quan trọng là con cá trở nên xấu, mất giá trị.
Nguyên nhân
Thiếu chăm sóc, nhiễm bẩn và ký sinh là những nguyên nhân chính. Việc không thay nước thường xuyên khiến cho lượng nitrat, amoniac trong nước tăng cao, lượng oxy giảm nên dẫn tới việc thở của con cá khó khăn. Một số loại vi khuẩn ký sinh trong mang khiến cho các cơ cấu mang bị viêm và đẩy vỏ mang phình lên.
Phương pháp điều trị
Khi cá thở bất thường: thì nên thay 20% nước bể mỗi ngày. Tăng cường sủi khí, nếu cần thiết có thể dùng bình oxy bơm vào bể và có gắng duy trì PH là 6,5, duy trì 2 lạng muối/100 lít nước.
Khi cá bị xoăn nhẹ: dùng lá bàng khô ngâm nước rồi lấy nước đó đổ vào bể và lớp xoăn sẽ giảm rất nhiều.
Khi bị xoăn lớp mỏng viền mang: thì có thể cắt bỏ phần xoăn rồi chăm sóc với chế độ giàu oxy. Mang cá kênh ra phần vỏ cứng: rất khó để khắc phục.
Bệnh xù vẩy ở cá rồng
Triệu chứng
Các hàng vẩy bị kênh lên (phần lớn ở lưng). Trường hợp nặng thì toàn bộ vẩy trên người bị kênh, hai mắt hơi lồi ra. Lúc đó cá bỏ ăn và hay oằn mình.
Nguyên nhân
Bệnh chủ yếu là do nấm và sự thay đổi quá đột ngột của môi trường, nước quá bẩn và nghèo oxy.
Phương pháp điều trị
Đầu tiên là cố gắng duy trì nhiệt độ nước 30-31 độ C, tăng cường lượng muối trong bể, bổ sung thuốc bột vàng của Nhật.
Một ngày có thể thay nước 2 lần nhưng lượng nước thêm vào và bớt ra thật ít. Trong những ngày đầu trị bệnh không nên cho cá ăn và những ngày sau cho ăn hạn chế.
Nếu cá bị nhẹ thì chỉ 2 ngày là hết những vẫn phải duy trì nhiệt độ và thay nước trong 1 tuần. Nếu để bị nặng quá thì khả năng chết cao.
Bệnh mờ mắt
Nguyên nhân
Do nước không được thay thường xuyên, lượng amoniac và nitrat quá nhiều. Vi khuẩn gây là bệnh có hình nón bám vào tròng mắt làm viêm, tạo ra một lớp quầng mầu trắng phủ lấy trong mắt. Nếu không được chữa trị cá sẽ bị hỏng mắt hoàn toàn.
Chữa trị
Tăng lượng muối trong bể, giữ nhiệt độ nước khoảng 29-32 độ. Có thể dùng tetraxilin hay metronidazone với liều lượng 500mg/50lit nước. Duy trì thay nước đều đặn 1 lần/ngày mỗi lần 1/4 lượng nước trong bể.
Bị ký sinh trùng bám trên cá rồng (Trùng mỏ neo, rận cá,…)
Triệu chứng
Cá nhiễm bệnh kém ăn, gầy yếu, chung quanh các chỗ trùng bám viên và xuất huyết. Nơi trùng mỏ neo bám là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Đối với cá lớn, trùng mỏ neo làm thành vết thương tạo điều kiện cho các tác nhân khác gây bệnh như: nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn,… xâm nhập. Trùng thường ký sinh ở da, mang, vây, mắt, … trên các loài cá.
Điều trị
Cách 1: Dùng thuốc số 0 cho cá rồng, đổ theo tỷ lệ 10l nước: 1ml thuốc. 2-3 ngày thay bớt nước rồi bổ sung thuốc cho đúng hàm lượng.
Cách 2: Dùng thuốc tím 1-2,5g/100 lít nước tắm cá trong một giờ.
Cách 3: Dùng Dipterex 5 g /100 lít, mỗi tuần 2 lần.
Bệnh trướng bụng / Sình bụng
Triệu chứng
Cá bỏ ăn, bụng to hơn bình thường, bơi lội khó khăn, sau khi bài tiết phân dính sợi trắng ở hậu môn.
Nặng hơn nữa thì ở hậu môn chảy ra nước nhờn.
Nguyên nhân
Do ăn uống, không phải lúc nào thức ăn cũng đạt tiêu chuẩn nên gây ra không tiêu và viêm ruột. Một số cá rồng bị viêm ruột mãn tính nên hậu môn đỏ và lòi ra (lòi trĩ).
Chữa bệnh
Thay 1/3 lượng nước, tăng cường sục, tăng muối và duy trì nhiệt độ ở 30 độ C và có thể thêm một lượng metronidazol rồi theo dõi.
Bệnh đốm trắng ở cá rồng
Triệu chứng
Nước đục và có mùi tanh nồng. Cá bơi lội hay giật mình, chà xát người vào thành bể, bỏ ăn… trường hợp nặng thì trên thân, nhất là trên vây, đuôi xuất hiện những đốm trắng và phát triển rất nhanh. Nếu không chữa kịp thời để bệnh chuyển sang giai đoạn nặng thì cá sẽ chết.
Nguyên nhân
Những đốm trắng là một dạng nấm, bám trên thân cá và hút chất lỏng trên thân thể cá làm cho cá khó chịu. Loại nấm này phát triển rất nhanh ở 25 độ C.
Điều trị
Mới bệnh: thấy cá bị bệnh nên tăng nhiệt độ (khoảng 32oC), trong trường hợp nhẹ thì cá tự khỏi.
Bệnh nặng: phải thay nước liên tục với số lượng ít một, bổ sung muối ăn. Nên dùng một số thuốc ở hàng cá và phải chữa khỏi dứt điểm, tránh để bệnh kéo dài.
Nguồn: Cuahanghocakoihcm.blogspot.com