Nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm là yếu tố tiên quyết đảm bảo cho tôm phát triển khỏe mạnh. Vì với nguồn nước bị ô nhiễm sẽ dễ sinh ra các vi khuẩn, chất nhầy dơ bám vào tôm, làm tôm mắc phải một số căn bệnh. Dẫn đến tình trạng chết hàng loạt, thất thu tiền của trong nuôi trồng thủy sản. Biểu hiện điển hình cho việc này là tình trạng bệnh đen mang thường gặp ở tôm được thả nuôi với mật độ dày. Đây là chứng bệnh khiến tôm không hấp thụ thức ăn, kém phát triển, chậm lớn. Chính vì thế nếu không kịp thời chữa trị bệnh sẽ gây nên nhiều căn bệnh nặng khác.
Bệnh đen mang ở tôm đang là vấn đề khiến nhiều hộ nuôi cảm thấy lo lắng. Vậy nguyên nhân dẫn đến căn bệnh đen mang ở tôm này là gì? Và khi tôm mắc bệnh đen mang bà con cần phải làm gì để điều trị cho hiệu quả? Chúng tôi sẽ thông tin đến bà con những điều cần biết cũng như phương pháp điều trị bệnh đen mang ở tôm thông qua bài viết dưới đây. Kính mời quý bà con cùng đón đọc.
Các nguyên nhân gây bệnh đen mang ở tôm
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đen mang trên tôm là do mật độ nuôi thả tôm cao. Dẫn đến xuất hiện tình trạng hàm lượng thức ăn dư thừa, chất thải hữu cơ của tôm, xác tảo. Điều này khiến đáy ao bị dơ do các chất này tích tụ dưới đáy. Chất lượng nước suy giảm khiến mang tôm bị mảng bám và trở nên đen hơn.
Nguyên nhân thứ hai đó là nồng độ các chất hóa học có hại cho tôm như NH3, NO2 tăng cao. Điều này khiến mang tôm rám đen do tác dụng hóa học. Lâu ngày dẫn đến mang tôm bị tổn thương. Nếu nồng độ các chất này quá cao sẽ tăng tỷ lệ tôm chết sớm hơn bình thường.
Tôm nuôi trong môi trường thiếu tảo, thiếu Vitamin C cũng có hiện tượng bị đen mang và các đốm đen trên khắp cơ thể.
Các biểu hiện cơ bản của bệnh lý
Tại ao
Đáy ao yếm khí, nhiều bùn đen, tảo dày, khí độc cao. Đặc biệt, bệnh đen mang thường xuất hiện trong ao nuôi mật độ cao (trên 60 con/m2), sục khí không đủ, không thay nước, ít sử dụng vi sinh xử lý đáy.
Trên tôm
Màu đen trên mang là do lắng đọng sắc tố đen melanin tại vị trí mang bị tổn thương do nấm hoặc vi khuẩn. Trước khi chuyển đen, mang chuyển màu từ hơi đỏ tới nâu sáng và cuối cùng là đen.
Các vết thương bị melanize hóa trên mang lan rộng, có thể kèm theo hoại tử chóp râu, roi, cuống mắt, telson, phụ bộ trong trường hợp bị nhiễm nấm.
Phương pháp điều trị bệnh đen mang hiệu quả
Nếu bệnh gây ra do nấm, rất khó điều trị. Ta chỉ có thể loại bỏ tôm bệnh và cải tạo chất lượng nước. Tôm bệnh do nấm chỉ có thể hồi phục 30%.
Đối với tình trạng đen mang do vi khuẩn gây ra ta cần hạn chế bổ sung thêm nguồn hữu cơ. Nghĩa là phải giảm 50% thức ăn trong 2 – 3 ngày, tuỳ tỉ lệ đen mang trong chài. Cho ăn lượng thức ăn nhỏ, ven bờ trong thời gian ngắn để hạn chế hao tổn oxy. Trộn kháng sinh hoặc vi sinh vào thức ăn. Nếu kết quả cấy khuẩn thấy mật độ khuẩn cao thì nên ăn kháng sinh.
Diệt khuẩn nước: 5ppm Sodium percarbonate (oxy viên) 50% xuống đáy và 1ppm BKC 50% trong nước, có thể lập lại sau 3 – 4 ngày. Trước và sau khi diệt khuẩn ít nhất 3 giờ nên xử lý vitamin C và khoáng nhằm tăng sức chịu đựng cho tôm.
Sau khi diệt khuẩn phải liên tục xử lý men – vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước và đáy ao. Có thể làm thông thoáng nước bằng cách thay 20 – 30% nước mỗi ngày. Lưu ý, khi thay nước phải dựa vào lịch sử thay nước của ao. Nếu ao chưa từng thay nước thì không nên áp dụng biện pháp này.
Sa lắng và khoáng hoá chất thải hữu cơ dưới đáy ao bằng oxy viên và vôi canci (10 – 20 kg/1000m3) hoặc khoáng canci, magie (20kg/1000m3). Bà con cũng có thể tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Cụ thể bằng cách cho ăn hỗn hợp vitamin, Beta-glucan và men-vi sinh trong các cữ không ăn kháng sinh.
Nguồn: Sites.google.com