Nghề nuôi cá tra trong những năm gần đây phát triển vượt bậc ngoài sự mong đợi. Sản lượng cá tăng lên hằng năm đi kèm với đó là giá trị xuất khẩu mang lại cũng không hề nhỏ. Một trong những nguyên nhân làm cho diện tích và sản lượng cá tra tăng cao là do chúng có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu môi trường của vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, dịch bệnh khiến cá chết hàng loạt. Vì vậy, vấn đề phòng, trị bệnh cũng như ngăn chặn sự lây lan của bệnh là hết sức cần thiết. Điều này đòi hỏi người nuôi cá tra phải có những hiểu biết về công tác điều trị bệnh khi bệnh xảy ra. Do đó, MPU muốn chia sẻ với bà con một số kiến thức cơ bản nhất về các loại bệnh phổ biến ở cá tra và các cách điều trị bệnh hiệu quả để hạn chế được tối đa những thiệt hại khi có bệnh xảy ra.
Bệnh gan, thận có mủ
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra, xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá. Tỉ lệ hao hụt lớn nhất ở giai đoạn cá giống.
Triệu chứng: Bên ngoài cá có biểu hiện không rõ ràng, cá hơi gầy, triệu chứng thường gặp nhất là cá bơi lội bất thường, đảo lộn xoay tròn trên mặt nước. Trong nội tạng cá xuất hiện các khối u nhỏ màu trắng phát triển trên các cơ quan của cá đặc biệt là gan, thận, tỳ tạng. Cá bệnh nặng bỏ ăn bơi lờ đờ trên mặt nước, tỉ lệ chết cao.
Trị bệnh: Việc điều trị chỉ có hiệu quả khi phát hiện bệnh sớm, nên thay nước rồi xử lý nước kết hợp với trộn thuốc vào thức ăn cho cá ăn liên tục từ 7 – 10 ngày:
+ Sáng: Vime-Fenfish 2000 với liều 1 lít/ 20 tấn cá.
+ Chiều: Vime-Glucan 1kg/6 – 8 tấn cá.
Bệnh xuất huyết – phù đầu
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas, Aeromonas spp… các vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể cá khi cá bị tổn thương mang, da. Bệnh xuất hiện quanh năm.
Triệu chứng: Cơ thể cá bị xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, miệng và nắp mang, nhiều nhất là ở hậu môn, hai bên và phía dưới bụng. Cá bị bệnh nặng một số con tách đàn, bơi dọc bờ ao, gan có thể bị xuất huyết và nhũn, có dịch vàng trong xoang bụng, mắt bị lồi sưng phù một bên hoặc cả 2 bên.
Trị bệnh:
+ Thay 30 – 50% nước trong ao, vệ sinh xung quanh ao.
+ Tắm cá bằng Fresh water 100g/150m3 hoặc BKC 80% 1lít/2.000m3 nước… sử dụng lúc trời mát.
+ Trộn thuốc vào thức ăn liên tục 5 – 7 ngày: 1kg Trimesul cho 4 tấn cá.
+ Bổ sung Glusome 115 và De-Amin giúp cá tăng sức đề kháng cho cá.
Bệnh ngoại ký sinh trên cá tra
Một số ngoại ký sinh trùng như trùng bánh xe, trùng quả dưa, trùng mỏ neo… là những bệnh khá nguy hiểm, thường phát sinh mạnh trong những đợt mưa kéo dài, kết hợp ao nuôi bị ô nhiễm.
Triệu chứng: Khi bị bệnh, cá thường có biểu hiện ngứa ngáy, hay quẫy mạnh, giảm ăn, trên da và mang có nhiều nhớt, chết với số lượng ít và tăng không đáng kể.
Phương pháp điều trị bệnh: ngâm, tắm cá trong KMnO4, liều lượng 10 g/m3 nước, trong 1 giờ. Ngoài ra có thể tắm cá bằng muối ăn, nồng độ 2 – 3%, hoặc có thể sử dụng hỗn hợp muối ăn với thuốc tím theo tỷ lệ 7 kg muối ăn + 4 g thuốc tím/m3 nước.
Bệnh lở loét trên cá tra
Dịch bệnh lở loét ở cá là một bệnh lây lan rất nhanh. Nguyên nhân cơ bản do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và các yếu tố môi trường. Bệnh xuất hiện nhiều vào những lúc giao mùa.
Triệu chứng: Bên ngoài xuất hiện các vết loét, xung quanh mắt và da xuất huyết. Khi cá bệnh nặng sẽ thấy máu chảy ra ở vùng hậu môn. Trong xoang bụng xuất huyết và chứa nhiều dịch nhờn, gan, thận đều có hiện tượng xuất huyết.
Trị bệnh:
+ Thay 30 – 50% nước trong ao. Vệ sinh xung quanh ao và xử lý nước bằng một trong các hoá chất Fresh water, BKC 80%, Vimekon…
+ Trộn thuốc vào thức ăn 5-7 ngày: 1 kg Anti-RED sử dụng cho 2 tấn cá.
+ Bổ sung Glusome 115, Vitamin C Antistress, Elecamin… giúp tăng sức đề kháng cho cá.
Bệnh trắng da (hay bệnh đốm trắng) trên cá tra
Bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát do đánh bắt, sang ao, vận chuyển hoặc do nhiệt độ môi trường nước thay đổi đột ngột và quá cao.
Triệu chứng: Cá bị nhiễm bệnh thường bỏ ăn. Gốc vây lưng xuất hiện vết đốm trắng sau đó lan dần đến cuống đuôi và toàn thân. Cá bị bệnh nặng thường bơi lờ đờ ngang mặt nước, rồi lộn đầu xuống và chết. Bệnh này xảy ra rất nhanh nên phát hiện và phòng bệnh sớm là rất cần thiết.
Điều trị bệnh: dùng một số kháng sinh và thuốc điều trị (thế hệ mới) trộn vào thức ăn hoặc nghiền mịn và pha thành dung dịch ngâm thức ăn viên để cho cá ăn: Sunfadimezin 5g + Oxytetracyclin 2g/100 kg cá kết hợp trộn vào thức ăn Superfact 250g/100kg thức ăn. Từ ngày thứ 3, liều dùng giảm đi một nửa. Cá có thể khỏi bệnh sau 5 ngày dùng thuốc.
Nguồn: Khuyennonghanoi.gov.vn