Lợi nhuận từ nghề nuôi trông thủy sản nói chung và nghề nuôi cá nói riêng mang lại là con số không hề nhỏ. Chính vì thế mà trong những năm gần đây số lượng ao, bể nuôi tăng lên một cách đáng kể. Và dần trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Đối tượng nuôi chính chủ yếu của bà con là các loài cá nuôi nước ngọt, cá nước mặn. Chẳng hạn như: cá tra, cá basa, cá rô phi, cá điều hồng (cá rô phi đỏ), cá mú, cá chẽm.
Tuy nhiên, trong quá trình nuôi cá nước ngọt thường gặp phải một số bệnh rất khó phát hiện và xử lý, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Một số bệnh nhiễm khuẩn thường gặp như: lở loét, đốm đỏ, đốm trắng hoặc một số bệnh ký sinh trùng như: bệnh trùng bánh xe (trùng mặt trời), sán lá, .. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và năng suất thu hoạch. Bài viết hôm nay, mpu muốn giới thiệu một số căn bệnh nhiễm khuẩn thường gặp và phương pháp điều trị bệnh cho cá nuôi nước ngọt. Xin mời quý độc giả cùng xem qua.
Bệnh nhiễm khuẩn Streptocosis
Bệnh thường bùng phát khi thời tiết ở nhiệt độ 20 – 30 độC.
Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn Streptococcus sp (liên cầu khuẩn) gây ra trên tất cả các giai đoạn phát triển của cá.
Dấu hiệu: Màu sắc cá chuyển dần sang đen tối, bơi lội không bình thường. Mắt cá lồi cà đục, xuất huyết ở các vây và xương nắp mang. Các vết xuất huyết lan rộng thành lở loét, nhưng vết loét nông hơn các loại bệnh lở lét khác. Cá bệnh bơi xoắn, không định hướng. Bệnh ở dạng cấp tính gây tỉ lệ chết cao.
Phương pháp điều trị bệnh: Duy trì mức nước tối thiểu 1,2 m trong ao nuôi. Tăng cường thay nước, quạt nước về đêm và sáng sớm nhằm cung cấp đủ hàm lượng oxy hòa tan cho cá. Định kỳ bổ sung vitamin tổng hợp vào thức ăn liên tục trong 7 ngày. Khử trùng nước bằng viên sủi Vicato 20-30 ngày/lần, liều lượng theo hướng dẫn. Hoặc dùng phương pháp trộn kháng sinh vào thức ăn, như Erythromycin, Ciprofloxacin, Enrofloxacin; liều 25-50mg/1kg cá/ngày, cho ăn 4 – 7 ngày. Sử dụng thảo dược TD3, vitamin tổng hợp trộn vào thức ăn hàng ngày cho cá nhằm tăng sức đề kháng và hạn chế tác nhân vi khuẩn lây lan, bùng phát trong ao nuôi.
Bệnh nấm thủy mi (bệnh mốc nước)
Bệnh xảy ra ở hầu hết các loài cá nước ngọt như cá chép, cá mè, cá trắm cỏ, cá trê, cá trôi, cá bống tượng… Bệnh phát triển thuận lợi trong các ao nuôi nước tù, hàm lượng chất hữu cơ cao…
Tác nhân gây bệnh: Là một số giống nấm như: Leptolegnia, Aphanomices, Sarolegnia, Achlya.
Dấu hiệu: Trên da cá lúc đầu có các vùng trắng xám, đó là các sợi nấm nhỏ mềm. Sau đó nấm phát triển thành các búi trắng như bông. Cá bệnh bơi lội bất thường, thích cọ xát vào các vật thể trong nước làm tróc vẩy trầy da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra có thể ký sinh làm ung trứng cá.
Phương pháp điều trị bệnh: Thực hiện kỹ thuật tẩy dọn ao trước mỗi vụ nuôi. Nuôi cá với mật độ thích hợp, tránh tác động cơ học hoặc do ký sinh trùng làm cá bị tổn thương. Duy trì và ổn định nhiệt độ trong ao bằng nhiều cách như duy trì mực nước ao 1,5m, phủ bèo tây 2/3 ,mặt ao…Hoặc dùng thuốc diệt nấm cho cá. Có thể dùng một số hóa chất để trị bệnh nấm thủy mi: Methylen 2 – 3g/m3, KMnO4 1 – 2g/m3 tạt xuống ao và lặp lại 2 lần trong 1 tuần. Hay dùng dung dịch muối ăn 3% tắm cá trong 15 phút.
Bệnh trùng mỏ neo
Bệnh gặp nhiều trên cá trắm cỏ, cá mè hoa, mè trắng, cá chép… Bệnh phát triển mạnh ở thời điểm cuối mùa xuân khi nhiệt độ từ 20 – 25 độ C.
Tác nhân gây bệnh: Là trùng mỏ neo thuộc giống Leronaea.
Dấu hiệu nhận biết: Cá bệnh bơi không bình thường, chậm chạp, kém ăn, dị hình. Trên mình cá có các vết nhỏ màu đỏ, một số kí sinh trong miệng làm miệng cá sưng lên và không đóng kín được, không ăn được.
Phương pháp điều trị bệnh: Trước khi thả cá nên dùng lá xoan bón lót xuống ao với lượng 0,2 – 0,3 kg/m3 nước để diệt ấu trùng của trùng mỏ neo có trong ao. Nếu có điều kiện nên thay toàn bộ nước trong ao đồng thời khử trùng nước thay. Hoặc dùng lá xoan 0,4 – 0,5 kg/m3 nước bón vào ao nuôi cá bị bệnh có thể tiêu diệt được ký sinh trùng Lernaea. Do lá xoan phân hủy nhanh tiêu hao nhiều ôxy và thải khí độc, nhất là mùa hè nhiệt độ cao, do đó phải theo dõi cấp nước kịp thời khi thiết. Tắm cá trong dung dịch thuốc tím KMnO4 nồng độ 10 – 12g/m3 tắm từ 1 – 2h.
Bệnh nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Aeromonas
Hầu hết các loài cá nuôi nước ngọt có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh này. Bệnh thường bùng phát khi cuối mùa xuân, đầu mùa hè. Cá con dễ mẫn cảm hơn cá trưởng thành, có thể gây chết đến 80%.
Tác nhân gây bệnh: Do nhóm vi khuẩn thuộc giống Aeromonas: A. hydrophila, A. caviae, A. sobria.
Dấu hiệu nhận biết: Cá bệnh xuất hiện từng mảng đỏ trên cơ thể. Xuất hiện các vết thương trên lưng, vảy dễ rơi rụng. Mắt lồi, mờ đục.
Phương pháp trị bệnh nhiễm khuẩn huyết: Tránh làm xây xát cá, vệ sinh đúng quy định. Dùng thuốc tím (KmnO4) tắm cá, liều dùng là 0,4g/100 lít nước, xử lý lập lại sau 3 ngày. Định kỳ tắm cá 1 tuần, 2 tuần hoặc 1tháng/lần, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cá. Dùng thuốc trộn vào thức ăn như Oxytetracyline: 55-77 mg/kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 7-10 ngày (nên hạn chế sử dụng). Đối với Enrofloxacin: 20 mg/kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 7-10 ngày. Còn Streptomycin: 50-75 mg/kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 5-7 ngày; Kanamycin: 50 mg/kg thể trọng cá nuôi, cho ăn 7 ngày…
Hội chứng lở loét
Một số loài có tính nhạy cảm cao với bệnh như cá quả, cá trôi, cá trê, chép… Bệnh lây lan chủ yếu theo dòng nước và sự di chuyển của cá mang mầm bệnh.
Tác nhân gây bệnh: Do nấm Alphanomyces Invadan phát triển len lỏi ăn sâu vào trong thịt cá. Ngoài ra còn có những tác nhân gây bệnh cơ hội khác như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.
Dấu hiệu: Cá ít ăn, bỏ ăn, hoạt động chậm chạp. Trên thân cá bệnh có các vết lở loét ăn sâu gây cho cá chết đồng loạt. Tại các vết loét lớn, trung tâm vết loét có màu xám là nơi nấm phát triển, mép xung quanh có màu đen.
Phương pháp điều trị bệnh: Trong quá trình nuôi, định kỳ 2 tuần/lần hòa vôi (CaO) té đều khắp mặt ao với liều lượng 2 kg/100m3 nước. Đàn cá giống trước khi thả cần tắm NaCl 2-3% trong 5-15 phút để tẩy trùng tác nhân bên ngoài; tránh các tác động cơ học làm tổn thương đến cơ thể cá.
Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn
Nhiều loài cá khác nhau bị ảnh hưởng bởi bệnh này. Trong đó có một số loài có tính nhạy cảm cao với bệnh như cá rô phi, cá trôi, cá chép…
Dấu hiệu nhận biết: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Xuất hiện các đốm đỏ lở loét trên thân, vẩy rụng, cá mất nhớt, khô ráp, vây xuất huyết, rách nát cụt dần. Hoặc xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, xung quanh miệng và nắp mang, phía mặt bụng.
Phương pháp trị bệnh: Dùng vaccin phòng bệnh; giảm mật độ nuôi; cung cấp nguồn nước tốt; tắm KMnO4 liều dùng là 0,4g/100 lít nước không quy định thời gian. Có thể dùng các loại kháng sinh, dùng thuốc tiên đắc 100g/50kg cả ngày liên tục, cung cấp thêm VitaminC để điều trị bệnh nhiễm khuẩn này.
Bệnh trùng quả dưa (bệnh đốm trắng)
Bệnh thường xảy ra ở cá chép, cá mè, cá trắm cỏ, cá trê, cá trôi… Bệnh phát triển thuận lợi khi thời tiết giao mùa – cuối mùa xuân sang đầu mùa hè.
Tác nhân gây bệnh: do loài trùng quả dưa Ichthyophthirius multifiliis gây ra.
Dấu hiệu: khi mắc bệnh, cá bơi nổi thành từng đàn trên mặt nước, quẫy nhiều do ngứa. Trên da, mang, vây của cá có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ màu trắng đục có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Da, mang cá bị bệnh có màu sắc nhợt nhạt. Khi quá yếu cá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm đầu xuống nước.
Phương pháp trị bệnh: Dùng formalin để phun xuống ao mỗi tuần 2 lần với nồng độ 150 – 200 ml/m3. Sau đó thay nước hoặc tắm formalin cho cá với nồng độ 200 – 250 ml/m3 trong vòng 30 – 60 phút.
Nguồn: Khoahocphothong.com